TIN TỨC

Nhiều khán giả rơi nước mắt khi xem vở kịch “Con đò của mẹ”

Phương Nhung - Ảnh: Hồng Nam

06:34 - 28/08/2024

151

Một lần nữa, vở kịch “Con đò của mẹ” được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm qua diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Công an nhân dân, chạm đến trái tim người xem về đề tài chiến tranh cách mạng. Nội dung câu chuyện với những tình tiết kịch tính, gây xúc động, khiến nhiều khán giả rơi lệ.

Vở kịch “Con đò của mẹ” do NSND Nguyễn Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát Kịch Công an nhân dân chỉ đạo nghệ thuật. Tác giả kịch bản là NSƯT Bùi Vũ Minh và Đạo diễn là NSND Lê Hùng. NSƯT Hồng Quân (vai ông Bường), các diễn viên Thanh Mai (vai Thắm), Việt Tùng (vai Quang), Huyền Trang (vai vợ ông Bường), Ngọc Thân (vai Sót) cùng tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân. Vở diễn đã đạt được Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

“Con đò của mẹ” đã được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Công an nhân dân tái hiện một cách trọn vẹn vẻ đẹp, lòng quả cảm của người Mẹ Việt Nam anh hùng và những hy sinh thầm lặng của lực lượng vũ trang - những người chiến sĩ kiên trung “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Nội dung cốt truyện kể về một gia đình có truyền thống cách mạng với những hy sinh to lớn cho Tổ quốc. Người chồng (nghệ sĩ Việt Tùng) là một chiến sĩ tình báo đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để hoạt động trong hàng ngũ địch. Suốt những năm tháng đó, vợ của anh (nghệ sĩ Thanh Mai) chịu đựng mọi lời đàm tiếu của xã hội để nuôi con khôn lớn. Sau này, người con trai cũng trở thành một chiến sĩ cách mạng và đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vở kịch truyền tải thông điệp về tình yêu quê hương sâu sắc của một gia đình cách mạng, đồng thời tôn vinh niềm tự hào dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước và chủ quyền lãnh thổ.

Thắm - người vợ (Thanh Mai thủ vai); Quang - người chồng (Việt Tùng)

Câu chuyện khai thác những yếu tố xoay quanh nhân vật Quang (diễn viên Việt Tùng thủ vai), là con trai của một gia đình giàu có. Quang đáng ra có thể sống một cuộc đời yên bình, hưởng thụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử của đất nước, anh đã quyết định từ bỏ tất cả, rời xa gia đình để theo đuổi lý tưởng cách mạng. Nhân vật này là biểu tượng của lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh bản thân vì mục tiêu cao cả. 

Những mâu thuẫn nội tâm của Quang, khi đứng giữa tình yêu, tình cảm gia đình và trách nhiệm của bản thân với đất nước… tất cả tạo nên chiều sâu, và cũng là vai diễn có nhiều “đất” để nghệ sĩ Việt Tùng thoả sức sáng tạo cho nhân vật của mình. Chính vì thể, nghệ sĩ  Việt Tùng đã khắc họa Quang một cách sống động, đem đến cho khán giả những khoảnh khắc xúc động và nhiều suy ngẫm về lựa chọn trong cuộc đời.

Chia sẻ về vai diễn, nghệ sĩ Việt Tùng (vai Quang) cho biết: “Không chỉ riêng mình nhân vật Quang mà những con người ở thời điểm lịch sử ấy, từ thanh niên trai tráng đến người mẹ tần tảo, bất kể già trẻ, trai gái đều sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng nhân vật Quang lại là một trường hợp đặc biệt, bởi anh ấy sãn sàng từ bỏ cuộc sống đủ đầy để chạy theo lý tưởng. Tôi nghĩ, dù bất kỳ ở thời đại nào, người Việt Nam máu đỏ da vàng sẽ luôn sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". 

Với nghệ sĩ Việt Tung, những khó khăn bước đầu khi tôi tìm hiểu về vở diễn là để định hình tính cách nhân vật. Anh cho rằng: " Với vở kịch "Con đò của mẹ" đã từng được diễn trên nhiều sân khấu, thách thức lớn nhất đối với tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân là làm sao để mỗi lần tái hiện, các vai diễn không chỉ hay hơn mà còn phải mang chiều sâu nội tâm, truyền tải được thông điệp về tình yêu Tổ quốc thật trong sáng, qua đó tôn vinh hình tượng người Mẹ Việt Nam anh hùng, người chiến sĩ tình báo Công an nhân dân một cách sâu sắc, tinh tế hơn".

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Mai (vai Thắm), người được coi là linh hồn của vở kịch là một người phụ nữ nhỏ bé ở tận đáy xã hội nhưng với trái tim bao la rộng lớn đã sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân vì lý tưởng cao đẹp của chồng và con trai. Thanh Mai và Việt Tùng đã khiến khán giả xúc động rơi lệ bởi lối diễn xuất chân thực, giàu cảm xúc và biểu cảm trên gương mặt.

19 năm trước, người phụ nữ tiễn chồng đi theo con đường cách mạng với những day dứt khôn nguôi. 19 năm sau, lại một lần nữa người mẹ lại tiễn con lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhưng tình cảnh éo le thay khi người chồng mang tiếng phản quốc lại trở thành kẻ thù của con trai mình. Nội tâm người phụ nữ như bị giằng xé khi một bên là tình yêu dành cho chồng, người mà cô đã từng tin tưởng và yêu thương, nay bị coi là kẻ phản quốc, và bên kia là con trai mình, người mà cô không thể nào quay lưng. Cho đến khi người bố được minh oan, thì người vợ  và con trai mới vỡ oà trong cảm xúc tự hào.  Những tình tiết trong vở kịch đã tạo ra một chuỗi cảm xúc từ xót xa đến tự hào, từ đau đớn đến sự ngưỡng mộ chạm đến trái tim của mỗi người xem. 

Khán giả Đoàn Mai Hồng bày tỏ sự xúc động: “Nhân vật Thắm là biểu trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những đức tính hy sinh, chịu thương chịu khó, một lòng thuỷ chung vì chồng, vì con và cũng đã có không ít nỗi niềm họ phải chịu đựng chôn giấu vào sâu trong lòng… Mọi cảm xúc như vỡ òa với phân đoạn nhân vật Thắm hét lên trước dòng sông: “Sông ơi!, sao không nổi sóng lên”… Dường như mọi khổ đau đã vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ ấy đến mức phải bộc phát hét lên đầy bất lực. Nhưng cuối cùng, Thắm vẫn vượt qua mọi nỗi gian truân ấy bởi một niềm tin sắt đá với lý tưởng cao đẹp mà chồng và con trai theo đuổi”. 

Cảnh cuối gây xúc động mạnh cho người xem khi người mẹ vì thương con, nhớ chồng nên vẫn mãi ở trong con đò ngày xưa, cho dù con đò theo thời gian đã không còn vẹn nguyên như cũ. Hình ảnh tấm thân già hiu quạnh của người mẹ nâng niu di ảnh liệt sỹ là của chông và con trai gợi lên nỗi đau chiến tranh đã để lại biết bao mất mát đau thương cho bao gia đình, bao người mẹ Việt Nam như "mẹ Thắm".

Hình ảnh người mẹ trước con đò gợi lên nhiều nghĩ suy, trăn trở cho người xem về sinh tử, biệt ly, về nhưng hy sinh mất mát của cuộc chiến để giành lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Khán giả Duy Hưng bày tỏ: “Sau khi xem vở kịch Con đò của mẹ, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn những hy sinh của thế hệ cha ông, đặc biệt là lòng vị tha, bao dung cao cả của người phụ nữ nơi hậu phương để chúng ta có được cuộc sống hoà bình như hiện nay”.

Khán phòng Nhà hát gần 900 chỗ không còn một ghế trống. Khán giả chăm chú theo dõi vở diễn, nhiều người xúc động rơi lệ khi những tình tiết kịch tính của câu chuyện được đẩy lên cao trào và vỡ oà cảm xúc.

Vở kịch "Con Đò Của Mẹ" không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật khắc hoạ một cách trọn vẹn và sống động về hình tượng người Mẹ Việt Nam anh hùng; Người chiến sĩ tình báo Công an nhân dân, mà còn là một lời tri ân sâu sắc đến thế hệ những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống. Qua câu chuyện đầy cảm động này, khán giả không chỉ cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh mà còn thấy được sức mạnh của lòng yêu nước, từ đó thêm ý thức về trách nghiệm và lòng biết ơn của những con người sống trong thời bình.

Trong suốt hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Công an nhân dân đã dàn dựng thành công nhiều vở kịch về đề tài lực lượng vũ trang cũng như các vấn đề xã hội. Những nỗ lực này không chỉ đáp ứng nhiệm vụ được giao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ, góp phần quảng bá hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, thông qua những vở diễn có chất lượng nghệ thuật đến với công chúng trong và ngoài nước. Những huy chương Vàng, Bạc, bằng khen của các cấp là minh chứng cho những nỗ lực của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Công an nhân dân trong chặng đường phát triển sân khấu Việt Nam nói chung, Kịch Công an nói riêng.

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera