TIN TỨC
“Người cầm lái”- vở nhạc kịch tôn vinh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
20:54 - 07/05/2024
255
“Người cầm lái”- vở nhạc kịch khắc họa hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, do biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh viết kịch bản và làm Tổng Đạo diễn. Tác phẩm có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm mà chị đã dành rất nhiều công sức và thời gian cũng như tâm huyết để thực hiện, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phóng viên (PV): Được biết, trong loại hình nghệ thuật nhạc kịch thì “Người cầm lái” là vở diễn đầu tiên khắc họa hình ảnh Bác Hồ. Khi nhận được lời mời viết kịch bản và tổng đạo diễn cho vở diễn, cảm xúc của chị ra sao?
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh: Sau khi nhận được lời đề nghị của Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân thực hiện tác phẩm này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và ý tưởng xây dựng một vở nhạc kịch về Bác Hồ đã có từ lâu nhưng chưa có điều kiện thể hiện. Vì thế, đây chính là cơ hội để tôi được thể hiện tác phẩm mà mình ấp ủ từ 4 năm nay. Ngay khi lên ý tưởng kịch bản cho vở nhạc kịch, tôi đã nghĩ sẽ gặp nhiều khó khăn bởi dàn dựng một vở nhạc kịch bình thường đã không đơn giản. Hơn nữa, đây lại là vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm làm bởi tôi có niềm tin rằng, khi dàn dựng một tác phẩm về Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua hết.
Tôi bắt đầu viết kịch bản, lên ý tưởng sân khấu, dàn nhạc… trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hà Nội. Ngoài ra, các ca sĩ của nhà hát hầu như chỉ hát ca khúc nhạc nhẹ, bài hát cách mạng, nhạc trữ tình chứ để vào những trường đoạn, đóng các nhân vật thì phải luyện thanh lại… Tuy nhiên, tôi cũng như Ban giám đốc nhà hát và các nghệ sĩ đã khắc phục những khó khăn do điều kiện khách quan để hoàn thành vở diễn.
Đến bây giờ cảm xúc của tôi vô cùng vui mừng khi vở nhạc kịch sau buổi công diễn một phần của tác phẩm vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà hát Công an nhân dân đã để lại ấn tượng với đông đảo công chúng.
PV: Âm nhạc là một trong những điểm nhấn quan trọng tạo nên thành công cho tác phẩm, tại sao chị lại chọn loại hình âm nhạc dân tộc cho vở diễn này?
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh: Khi xem vở nhạc kịch, khán giả sẽ thấy âm sắc của nhạc cụ truyền thống Việt Nam nhưng có sự hỗ trợ thêm của các nhạc cụ phương Tây để tạo nên sự dày dặn trong âm nhạc của vở diễn.
Trong vở “Người cầm lái” thì tôi chú trọng đến những nét tinh túy, tinh hoa của nhạc dân tộc. Ở vở nhạc kịch này, tôi tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử bằng sự kết hợp của ngôn ngữ âm nhạc và diễn xuất của diễn viên.
Qua tác phẩm, tôi muốn tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc cũng như kho âm thanh, sự độc đáo của các loại hình nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam giữ vai trò chủ đạo của vở diễn, tạo ra không gian âm nhạc hoành tráng. Trên nền âm nhạc đó còn có độc tấu, song tấu, và nổi lên những thanh âm tạo nên tâm hồn, bản sắc, nét tinh túy của Việt Nam. Đây là vở diễn thể hiện tâm hồn, bản sắc Việt Nam, về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên phải đậm chất văn hóa dân tộc.
Ở phần đầu, sân khấu nổi là hình bản đồ Việt Nam, mở rộng hết không gian của Nhà hát, các ca sĩ chính diễn trên sân khấu hình bản đồ Việt Nam. Đây là hình thức tôn vinh dàn nhạc và các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, khán giả cũng được trực tiếp nhìn thấy các nhạc công trình diễn âm nhạc sân khấu và tương tác luôn với màn hình cũng như nghệ thuật biểu diễn của diễn viên.
PV: Màn biểu diễn nào mà chị cảm thấy tâm đắc nhất trong vở nhạc kịch này?
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh: Cảnh mà tôi rất tâm đắc trong vở diễn đó là màn “Đường Kách mệnh”, được các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu đặt trên nền nhạc và múa. Trước khi diễn cảnh này, các diễn viên phải học thuộc lời của cuốn “Đường Kách mệnh” để khi ra sân khấu không chỉ thuộc lời mà còn phải diễn cảm, lưu loát.
Trong vở diễn, hình ảnh Bác Hồ quan trọng bao nhiêu thì người dẫn chuyện quan trọng bấy nhiêu bởi gần như xuyên suốt trong vở diễn để kết một cảnh và mở ra một cảnh mới, nói lên thông điệp vừa là tư tưởng của Bác cũng như tình cảm của dân tộc Việt Nam, của đồng bào trên khắp thế giới yêu chuộng hòa bình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Tại sao chị lại chọn diễn viên Lê Tuân để vào vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc?
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh: Được hợp tác cùng Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân dàn dựng vở này là điều may mắn của tôi bởi nhiều lần hợp tác cùng các nghệ sĩ của nhà hát nên tôi nắm được sở trường, sở đoản của từng diễn viên. Với diễn viên Lê Tuân, có thể giọng ca chưa được hoàn hảo về độ vang, độ rền nhưng tôi thấy ở diễn viên này sự tự tin, ham học hỏi. Đặc biệt, Lê Tuân là người gốc Nghệ An nên giọng nói sẽ dễ thể hiện Bác hơn những diễn viên khác. Khi thể hiện lời ca về chính trị để làm sao mềm mại, không bị căng cứng thì Lê Tuân đã đáp ứng được vấn đề này. Về mặt hình thể, Lê Tuân có thể vào vai được bởi khi hóa trang thì hình thức tương đối phù hợp với hình ảnh Bác Hồ thời trẻ. Điều quan trọng hơn đó chính là tinh thần và niềm tin vào vai diễn mà diễn viên thể hiện, điều này rất quan trọng để nhập vai lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
PV: Chị gửi gắm điều gì vào vở nhạc kịch “Người cầm lái”?
Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh: Để hoàn thiện tác phẩm này, có nhiều ngày tôi chỉ được ngủ 2 tiếng. Chúng tôi tập vở trong điều kiện dịch Covid-19 nên nhiều buổi các diễn viên phải tập online để hòa mình vào không khí của sân khấu. Tập luyện trong thời gian dài nhưng các nghệ sĩ đều cố gắng, lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân cũng tạo mọi điều kiện để các diễn viên hoàn thành tốt vai diễn của mình.
“Người cầm lái” là một tác phẩm lớn để tri ân Bác Hồ kính yêu. Vì thế, chúng tôi đã dành toàn bộ tâm huyết để thực hiện. Mỗi thành viên, nghệ sĩ đều cống hiến, đóng góp để vượt qua khó khăn, giữ được trường giọng, sức bền để tập vở.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Khánh Huyền (Báo Quân đội nhân dân)
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera