TIN TỨC

Vang mãi bản hùng ca Điện Biên

12:57 - 28/04/2024

143

70 năm trôi qua, kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử này vẫn vẹn nguyên giá trị.

Là một cựu chiến binh, cũng đã từng tham gia chiến đấu trong những năm tháng khói lửa, ông Vương Xuân Gia - Trung tá, Trưởng ban Trường Quân Chính, Quân khu 5; nguyên Cán bộ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 tâm sự: “Cho đến tận bây giờ và chắc chắn mãi về sau anh em bộ đội chúng tôi vẫn sẽ hát vang những lời ca cháy bỏng: Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi… Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử trong cuộc Chiến tranh Đông Dương, mà còn đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Phải khẳng định, những tác phẩm âm nhạc ra đời trong kháng chiến, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực sự là liều thuốc khích lệ tinh thần cho anh em bộ đội chúng tôi. Trong số những tác phẩm âm nhạc được ra đời vào thời điểm đó, “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành tác phẩm tiêu biểu. Sự hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót cùng biết bao chiến sĩ ngày đêm đưa những cỗ pháo nặng hàng trăm tấn, vượt qua bao dốc núi vào trận địa đã được bao chiến sĩ như chúng tôi thuộc nằm lòng”.

 

 

Ông Vương Xuân Gia - Trung tá, Trưởng ban Trường Quân Chính, Quân khu 5; nguyên Cán bộ Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. 

Là Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chị Ngô Thị Ngọc cũng thật nhiều cảm xúc: “Chúng tôi nhìn nhận ngày này như một cơ hội để tạo ra sự kết nối và đoàn kết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân. Và âm nhạc chính là sợi dây kết nối mạnh mẽ khi chúng tôi cùng nhau tham gia các các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cùng nhau tìm hiểu, tuyên truyền về ý nghĩa của ngày này đến với quần chúng nhân dân thông qua âm nhạc. Những khúc ca với giá trị trường tồn đó sẽ làm vực dậy tinh thần hăng hái thi đua lao động và dựng xây của mọi tầng lớp nhân dân”.

Cô Ngô Thị Ngọc (bên phải) luôn khuyến khích các chị em trong Hội Phụ nữ Phường Phú Đô tham gia các hoạt động đoàn thể, công tác thiện nguyện của phường

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cả bố và mẹ đều hoạt động trên chiến trường Điện Biên. Trung tá - nhạc sĩ Trần Hoàng Bình, Cựu chiến binh Sư đoàn 301, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tham gia đánh bom B52, chứng kiến Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa. Trở về từ chuyến thăm lại Điện Biên cùng đoàn các nhạc sĩ, ông cho biết: “Trở về Điện Biên để tham gia lễ duyệt binh, hình ảnh của những người lính năm xưa vẫn luôn khắc khoải trong trái tim của cá nhân tôi cũng như toàn dân tộc Việt Nam. Là một người nhạc sĩ trong quân đội thì tôi luôn nỗ lực dùng lời ca, tiếng nhạc của mình để ngợi ca hình ảnh quân đội anh hùng, quân đội bách chiến, bách thắng. Âm nhạc không chỉ có sức mạnh cổ vũ tinh thần, khích lệ động viên quân và dân ta trong những năm tháng chiến đấu mà cho đến nay, sức nặng của âm nhạc vẫn sẽ còn mãi”

Trung tá - Nhạc sĩ Hoàng Bình, Cựu chiến binh Sư đoàn 301, Quân chủng Phòng không - Không quân

Theo dòng chảy thời gian, ở mỗi thế hệ, mỗi người đều có những suy ngẫm riêng về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Song, âm nhạc Cách mạng chính là “liều thuốc tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”

Chị Dương Thúy Anh - một khán giả trẻ đã bày tỏ xúc động khi đặt vé xem chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên" sẽ diễn ra trong 2 đêm mùng 2 và 3/5/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, tâm sự: “Mẹ tôi là chiến sĩ quân y hoạt động trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô sinh viên Y lúc bấy giờ đã xung phong lên chiến khu Việt Bắc làm công việc cứu chữa cho các thương bệnh binh trong điều kiện thiếu thuốc men trầm trọng. Tôi vô cùng háo hức khi đặt vé xem chương trình nghệ thuật đặc biệt này. Tôi định sẽ mang theo bức hình về người mẹ của mình, như được dẫn bà đi xem cùng tôi một chương trình Điện Biên Phủ để tôi có thể hình dung về một thời con gái của mẹ đã dành cho đất nước. Trong tiềm thức của tôi, mẹ tôi đẹp bởi chính quá khứ mà bà đã để lại”. 

Chị Dương Thúy Anh chia sẻ về người mẹ từng làm quân y cứu chữa cho các thương bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến

Trong không khí của ngày trọng đại, bạn Đoàn Thị Hồng Ngọc - sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K40A2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Âm nhạc Cách mạng thường chứa đựng những thông điệp về tự do, công bằng và tinh thần đoàn kết, khuyến khích người trẻ có nảy sinh những ý tưởng và suy nghĩ mới mẻ về xã hội và cuộc sống. Với mình, âm nhạc Cách mạng có thể không làm nên xu hướng hay tạo sự “viral” trong một thời gian ngắn như âm nhạc hiện đại nhưng những bài hát có giá trị ghi lại một thời khắc  kỳ lịch sử oai hùng như “Trên đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên”, “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sẽ mãi là những bài ca của ca khúc không phải chỉ một thời vang bóng mà sẽ vang bóng mọi thời".

 

Bạn Đoàn Thị Hồng Ngọc (ngoài cùng bên phải) thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng

Quý vị hãy đến để cảm nhận và lan tỏa tình yêu đất nước qua chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên". 

 

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera