TIN TỨC

Các nghệ sĩ Pháp thăng hoa cảm xúc, duyên dáng với tà áo dài Việt Nam

18:14 - 23/04/2024

163

Đêm diễn thứ hai của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles (The Orchestre de L'Opéra Royal de Versailles) ở Nhà hát Hồ Gươm đã thực sự bùng nổ bởi những màn kết kéo dài như không muốn dừng lại.

Khán giả Xuân Long (Hà Nội) chia sẻ: “Là người yêu thích âm nhạc cổ điển, ngay khi biết thông tin về Hòa nhạc “Bốn mùa", tôi đã đặt vé tham dự. Thưởng thức tổ khúc “Bốn Mùa” của Vivaldi do Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles biểu diễn, tôi cảm nhận được sự mê hoặc của tác phẩm. Âm nhạc của Vivaldi tái hiện một cách tuyệt vời bốn mùa trong năm, từ sự tươi mới của mùa xuân, sự nóng bức của mùa hè, sự lãng mạn của mùa thu cho đến sự lạnh giá của mùa đông. Nó thực sự là một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời. Giọng ca của Théo Imart cũng là điểm nhấn quan trọng trong buổi hòa nhạc, mang đến một sự tương phản đáng kinh ngạc giữa các mùa, từ sự trẻ trung và tươi mới cho đến sự lãng mạn và trầm lắng. Buổi tối hôm nay thật trọn vẹn, tôi đã “note” lại lịch diễn ra chương trình tiếp theo của Mozart vào tháng 8/2024, và chắc chắn không thể bỏ lỡ”.

Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles chinh phục khán giả bằng những giai điệu cổ điển tinh tế.

Điểm độc đáo khác biệt làm nên đẳng cấp 

Thông thường khi nói tới Dàn nhạc Giao hưởng, công chúng sẽ nghĩ đến một biên chế dàn nhạc đồ sộ có thể vài chục hoặc thậm chí lên đến cả 100 nhạc công. Tuy nhiên, ở thời kỳ Baroque, biên chế dàn nhạc lại rất ít. Trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam lần này, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles đã mang đến một cảm giác mới lạ, thích thú cho người thưởng thức, khi có cơ hội được sống trong âm nhạc của thời kỳ Baroque mà những tác giả, tác phẩm đã trở thành những kiệt tác âm nhạc thế giới. 

Khán phòng Nhà hát Hồ Gươm vỡ oà trong những tràng pháo tay không dứt của khán giả

Điểm khác biệt đó chính là Dàn nhạc đã sử dụng một số nhạc cụ của thời kỳ Baroque mà có lẽ chỉ những người được đào tạo âm nhạc cổ điển và những công chúng ưa khám phá lịch sử âm nhạc thế giới thì mới biết tới những cây nhạc cụ như: theorbo và viola da gamba (nhạc cụ xuất hiện vào thế kỷ 15 và phổ biến cho đến cuối thời kỳ Baroque). Âm thanh của các nhạc cụ cổ nghe mộc nhưng lại cho người nghe những rung cảm sâu sắc, gần gũi. Cùng với sự tinh tế và kỹ thuật điêu luyện, các nghệ sĩ trong Dàn nhạc đã đưa công chúng qua những cung bậc cảm xúc của chương trình với bốn bản Concerto và một Overture, được xen kẽ bằng các Aria do Théo Imart thể hiện - Đó cũng là cách mà Nhạc trưởng Stefan Plewniak đã dẫn dắt để thay đổi không khí, đồng thời cũng tạo cảm giác gần gũi giữa các nghệ sĩ và công chúng. 

 

Nghệ sĩ Masson Léa sử dụng nhạc cụ theorbo - nhạc cụ cổ thời kỳ Baroque  (chính giữa)

Khán giả Sylvie Courroy (Pháp) bày tỏ: “Tôi cảm thấy thỏa mãn và ấn tượng với âm nhạc cùng phần trình diễn của các nghệ sĩ. Khi nghe giọng hát của Théo Imart, tôi hiểu tại sao anh ấy lại được người ta tôn vinh và ngưỡng mộ. Giọng hát của anh ấy thật sự tuyệt vời, với âm vực cao và sâu, nhưng vẫn giữ được sự mềm mại và cảm xúc. Tài năng và phong cách biểu diễn linh hoạt, tự do của Nhạc trưởng Stefan Plewniak cũng khiến tôi rất ấn tượng”

Théo Imart gây ấn tượng với giọng hát countertenor nội lực và giàu cảm xúc

Kết thúc buổi Hòa nhạc, những tràng pháo tay không dứt của gần 1.000 khán giả trong khán phòng Nhà hát Hồ Gươm như muốn níu giữ những khoảnh khắc đẹp. Liên tục trong hơn 30 phút, các nghệ sĩ đã biểu diễn thêm nhiều trích đoạn để đáp từ lại tấm chân tình của khán giả dành cho các nghệ sĩ… thoả mãn, bùng nổ và đọng lại dư âm nhiều nhất chính là “Danse des sauvages”, giai điệu nổi tiếng nhất trong opera “Les Indes Galantes” của Rameau.

Nụ cười hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt, ánh mắt, khiến Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles Jean-Christophe Cassagnes không giấu nổi xúc động: “Tôi rất vui và hạnh phúc về tình cảm tuyệt vời của khán giả dành cho các nghệ sĩ. Khán giả Việt Nam thực sự đầy sức sống, nhiệt huyết và có nhiều khác biệt so với châu Âu. Có thể điều này bắt nguồn từ việc khán giả ở Việt Nam đang trải qua một trải nghiệm mới mẻ với âm nhạc cổ điển, trong khi ở châu Âu, đa phần đã quen thuộc với dòng nhạc này từ lâu. Đặc biệt, hệ thống âm thanh và kỹ thuật tại Nhà hát Hồ Gươm quá tốt, mang đến một trải nghiệm thú vị cho nghệ sĩ”.

Các nghệ sĩ thướt tha trong tà áo dài Việt Nam
Lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm tặng hoa các nghệ sĩ

Khép lại 2 đêm diễn đong đầy cảm xúc không chỉ là những thanh âm còn đọng lại mà còn là hình ảnh các nghệ sĩ Pháp trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam trên sân khấu sẽ lưu giữ những hình ảnh đẹp - là sự giao thoa văn hoá giữa Việt Nam và Pháp, làm tăng thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị không chỉ giữa các nghệ sĩ mà còn góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam.

Minh Anh - Bạch Quỳnh

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera