NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG
Bản hoà ca đất nước
Phương Nhung, Linh Nhi - Ảnh: Hồng Nam
01:13 - 08/04/2025
220
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 -19/8/2025), Cục Công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát hồ Gươm phối hợp với Nhà hát Kịch Công an nhân dân biểu diễn vở kịch “Người thứ ba”.
Vở kịch “Người thứ ba” là câu chuyện về những chiến sĩ điệp báo với lý tưởng cách mạng cao cả, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, tái hiện lại thời kỳ lịch sử đầy biến động của đất nước trong giai đoạn những năm 1955 - 1975.
Vở kịch xoay quanh ban nhạc Viễn Chinh - những người nghệ sĩ đồng thời cũng là những chiến sĩ điệp báo. Họ nhận lệnh tiếp cận Thiếu tá Hoàng Xuân Bảo (do nghệ sĩ Ngọc Dương thủ vai) - sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa và là trợ lý thân cận của Cố vấn cấp cao Mỹ. Cùng với đó, là Nghị sĩ Thượng viện Việt Nam Cộng hòa Trần Lệ Băng (do nghệ sĩ Thu Hà thủ vai) - mẹ của Thiếu tá Hoàng Xuân Bảo, người đại diện cho "lực lượng thứ ba", những người mong muốn hòa bình, hòa hợp dân tộc trong thời kỳ chiến tranh đầy biến động. Câu chuyện trở nên gay cấn khi ban nhạc Viễn Chinh nhận nhiệm vụ tìm kiếm bản kế hoạch chiến lược "Tái Cấu Trúc", tài liệu có thể thay đổi cục diện chiến trường khi Mỹ rút khỏi miền Nam. Bởi nhiệm vụ đó mà rất nhiều điệp báo cũng là thành viên ban nhạc Viễn Chinh phải hy sinh, để lại nỗi day dứt khôn nguôi cho những người đồng đội ở lại.
Nhân vật Quỳnh Như (do nghệ sĩ Thanh Mai thủ vai) - ca sĩ ban nhạc Viễn Chinh, người trước đó đã có những hẹn ước tình yêu với nhạc sĩ Huy Hoàng nhưng cuối cùng buộc phải gác lại hạnh phúc của mình để đến bên Hoàng Xuân Bảo - sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Những giằng xé nội tâm không ngừng bủa vây Quỳnh Như, giữa tình yêu và lý tưởng cách mạng. Để rồi sau cùng, Quỳnh Như đã chọn con đường cách mạng. Giữa những mâu thuẫn, âm mưu và sự đối đầu khốc liệt, vở kịch đặt ra câu hỏi day dứt về sự lựa chọn của mỗi cá nhân.
Nút thắt của câu chuyện được hóa giải khi Trần Lệ Băng quyết định đứng về phía chính nghĩa, cống hiến trọn niềm tin cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn Hoàng Xuân Bảo, người từng lầm đường lạc lối, cuối cùng cũng tỉnh ngộ. Hối hận vì những sai lầm trong quá khứ, anh trao lại bản kế hoạch “Tái Cấu Trúc” cho Quỳnh Như như một sự chuộc lỗi, rồi lặng lẽ trở về Mỹ.
Ngay từ phần khai từ của vở kịch, khán giả đã bị cuốn vào dòng chảy câu chuyện qua tiếng đàn piano trầm lắng cất lên giai điệu “Mãi gọi tên anh”– ca khúc mà nhạc sĩ Huy Hoàng (do nghệ sĩ Văn Tuấn thủ vai) viết tặng người thương là ca sĩ Quỳnh Như. Âm nhạc trở thành mạch nguồn dẫn dắt cảm xúc người xem qua từng phân đoạn của vở diễn: khi cao trào dồn nén, khi lắng sâu đầy day dứt. Và rồi, đến khoảnh khắc cuối cùng, tiếng đàn ấy lại vang lên, nhẹ nhàng mà tha thiết. Quả thực, âm nhạc có sức mạnh kỳ diệu, không chỉ dẫn dắt người xem vào mạch cảm câu chuyện mà âm nhạc còn khơi gợi cảm xúc, gắn kết tình cảm, khắc hoạ nội tâm sâu sắc của nhân vật. Âm nhạc vượt không gian, thời gian, nối quá khứ với hiện tại, xoa dịu và hàn gắn mọi thương đau.
Diễn viên Văn Tuấn, vai nhạc sĩ Huy Hoàng tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi hóa thân vào một nhân vật vừa là nhạc sĩ vừa là chiến sĩ biệt động. Khi mới nhận vai, tôi không khỏi hồi hộp, bởi đây là một hình tượng mới mẻ, đòi hỏi chiều sâu nội tâm. Nhưng càng nghiên cứu, tôi càng bị cuốn hút bởi nhân vật này, một nhạc sĩ lãng tử, bay bổng nhưng lại mang trong mình sứ mệnh và lý tưởng của một chiến sĩ tình báo. Điều đó khiến tôi cảm thấy nhân vật này có sự đồng điệu với bản thân.Để khắc họa trọn vẹn vai diễn, tôi đã tìm hiểu kỹ về những nhạc sĩ, chiến sĩ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến, đặc biệt là giai đoạn 1955-1975. Từng chi tiết từ phục trang, phong thái cho đến cách thể hiện cảm xúc đều phải được chăm chút cẩn thận. May mắn thay, tôi nhận được sự hướng dẫn tận tình từ Đạo diễn, NSND Lê Hùng. Anh không chỉ giúp tôi khai thác chiều sâu nhân vật mà còn dàn dựng nhiều chi tiết đắt giá, giúp tôi từng bước hòa mình vào vai diễn.
Vở kịch “Người thứ ba” thực sự thu hút khán giả ngay từ phần khai từ bởi cách kể chuyện khá thú vị của ê-kíp thực hiện. Chia sẻ về về những thuận lợi và khó khăn khi tiếp cận một đề tài đòi hỏi không chỉ sự am tường về lịch sử mà còn cả những thách thức về chuyên môn, tác giả Anh Nguyên (Nguyễn Minh Anh) cho biết: “Hình ảnh những văn nghệ sĩ cầm bút, cầm đàn, cất lên tiếng hát – nhưng lại âm thầm dấn thân trong một cuộc chiến sinh tử để bảo vệ lý tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước đã khơi dậy trong tôi một nguồn cảm hứng bất tận. Họ không chỉ là nghệ sĩ, mà còn là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, gìn giữ vẻ đẹp, niềm tin và khát vọng trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử.
Đề tài này không dễ để khai thác, nhưng chính vì ít được khai thác, nên tôi càng muốn thử thách bản thân để bày tỏ lòng tri ân những người nghệ sĩ, chiến sĩ, những thế hệ đi trước. Khó khăn lớn nhất khi viết nên vở kịch này là việc chắt lọc để giữ được tinh thần của thời đại đó qua những gì còn sót lại. Các sự kiện lịch sử thì có thể tra cứu, nhưng cảm xúc, sự lựa chọn ngôn ngữ thể hiện, nội tâm giằng xé của con người trong bối cảnh ấy thì chỉ có thể chạm tới bằng sự thấu cảm, tưởng tượng bằng sự sự tôn trọng. Sống trong thời bình khiến mình dễ quên rằng tự do hôm nay là kết tinh từ biết bao lựa chọn đầy mất mát trong quá khứ. Tôi nghĩ một phần trách nhiệm của người viết về đề tài lịch sử là giúp công chúng hiểu, đồng cảm và cùng "ngược trở lại” quá khứ”.
Một trong những yếu tố gây ấn tượng của vở kịch chính là bối cảnh sân khấu tối giản nhưng từng đường nét thiết kế đều gợi lên không gian hoài niệm, đưa khán giả trở về một thời kỳ lịch sử đầy biến động. Bên cạnh đó, trang phục của các diễn viên được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những tà áo dài thướt tha, những bộ quân phục sờn màu của người chiến sĩ nơi chiến khu được tái hiện chân thực, không chỉ làm sống dậy hình ảnh một thời chiến đấu gian lao, mà còn khắc họa rõ nét tinh thần và khí phách của những con người trong những năm tháng thăng trầm của cuộc chiến.
Là người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát Kịch Công an nhân dân, chia sẻ”: “Mặc dù có nhiều vở kịch nói về chủ đề tình báo, nhưng những tác phẩm khai thác vai trò của văn nghệ sĩ trong thời chiến lại không có nhiều. Thông điệp mà Nhà hát Kịch Công an nhân dân muốn gửi gắm là sự tôn vinh các chiến sĩ tình báo và đồng thời ghi nhận vai trò đáng trân trọng của những nghệ sĩ, những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh, điều này được thể hiện xuyên suốt trong vở kịch. Những vở kịch của Nhà hát Kịch Công an nhân dân luôn hướng đến sự chân thực và gần gũi với khán giả. Chúng tôi sử dụng các yếu tố nghệ thuật cùng với âm thanh, ánh sáng, cách dàn dựng và diễn xuất để chuyển tải nội dung cũng như mang lại một trải nghiệm đầy cảm xúc và chân thực. Những yếu tố này giúp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, dễ dàng tiếp cận và cảm nhận được những câu chuyện lịch sử”.
Khi ánh đèn sân khấu dần dần tắt, dư âm của câu chuyện vẫn vang vọng, như một lời nhắc nhở về những con người thầm lặng hy sinh cho tổ quốc, cho hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Không giấu được sự xúc động sau khi xem vở diễn, khán giả Thu Hương (Hà Nội) bộc bạch: “Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những vở kịch như thế này mang ý nghĩa và thông điệp vô cùng sâu sắc. Tôi thực sự xúc động và cảm thấy biết ơn trước tinh thần quả cảm, sự hy sinh của những con người dám đánh đổi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc cá nhân để giành lại độc lập cho dân tộc. Các diễn viên của Nhà hát Kịch Công an nhân dân đã thể hiện xuất sắc từng cung bậc cảm xúc, mang đến những cảm xúc chân thực, chạm đến trái tim người xem. Được theo dõi vở kịch này, tôi như được sống lại không khí hào hùng của một thời dân tộc quật khởi. Tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều vở diễn ý nghĩa như thế này được dàn dựng và lan tỏa, đặc biệt để thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn về những hy sinh của cha ông, để biết trân trọng và tiếp nối tinh thần dân tộc”.
Những tràng pháo tay không dứt của khán giả sau khi tấm màn nhung khép lại là minh chứng sinh động của vở kịch “Người thứ ba”, khi đã chạm đến trái tim khán giả về “Bản hoà ca đất nước”.
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera