NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG
Hành trình đưa khán giả trở về nguyên tác opera Carmen thế kỷ XIX
Tổng hợp: Phương Nhung
01:11 - 07/04/2025
353
Với sự đầu tư “khổng lồ” gồm: 150 nghệ sĩ, diễn viên, đội ngũ kỹ thuật; 70 tấn hàng cảnh trí, trang phục, đạo cụ… từ Pháp về Việt Nam, và còn rất nhiều những thiết bị, kỹ thuật được chuẩn bị ngay Việt Nam, trong đó có 12 ngàn bông hồng, là những nỗ lực không nhỏ của Nhà hát Hồ Gươm - quốc gia thứ 2 ở châu Á mang opera Carmen trở lại nguyên bản gốc.
Với mong muốn mang tới cho công chúng những gì đẹp đẽ, tinh tế vốn có của opera Carmen như lần đầu xuất hiện cách đây 150 năm, ê-kíp sáng tạo của Nhà hát Hoàng gia Versailles, Trung tâm âm nhạc Lãng mạn Pháp Palazzetto Bru Zane và Nhà hát Rouen Normandie dành nhiều tâm huyết phục dựng không gian nghệ thuật thế kỷ XIX. Và địa điểm để công diễn opera Carmen chính là sân khấu Nhà hát Hồ Gươm.
Công cuộc phục dựng này không chỉ dựa trên thiết kế gốc của Nhà hát Opéra-Comique năm 1875, mà còn được ê-kíp sáng tạo khai thác kho tư liệu phong phú từ khắp châu Âu: kịch bản dàn dựng chi tiết ghi rõ từng bước di chuyển và sắp xếp nhân vật, bản vẽ màu phối cảnh sân khấu, hàng loạt phác thảo thiết kế phục trang... Những tài liệu này từng được Nhà xuất bản Âm nhạc Choudens (Choudens éditeur de musique) phổ biến rộng rãi, góp phần giúp các nhà hát khắp thế giới tái dựng vở diễn sát với phiên bản gốc nhất.
Phục sinh opera Carmen thế kỷ XIX
Để đưa Carmen trở về đúng với nguyên bản năm 1875, đội ngũ sản xuất đã dựa vào nhiều tư liệu lịch sử quan trọng, trong đó đặc biệt là livret de mise en scène – bản ghi chép chi tiết về di chuyển của các diễn viên trên sân khấu. Đây không chỉ là một tài liệu văn bản mà còn bao gồm những sơ đồ minh họa vị trí của các yếu tố sân khấu và nhân vật. Những mũi tên trên sơ đồ thể hiện rõ ràng cách di chuyển của diễn viên trong từng phân cảnh, giúp phục dựng chính xác từng bước di chuyển trên sân khấu theo đúng nguyên bản.
Những tư liệu lưu trữ của nhà xuất bản Choudens đã cung cấp nhiều bức tranh khắc minh họa từng màn diễn của Carmen khi vở diễn lần đầu ra mắt. Dựa trên những hình ảnh này, đội ngũ sản xuất đã tái tạo chính xác phông nền sân khấu theo phong cách gốc, sử dụng phương pháp vẽ tay để đảm bảo tính chân thực. Từ quảng trường Seville rực rỡ dưới ánh mặt trời, quán rượu ấm cúng và sôi động về đêm, đến vùng núi hoang dã với ánh bình minh ló rạng và đấu trường bò tót rực rỡ trong một ngày hội đầy kịch tính. Tất cả đều được phục dựng tỉ mỉ để mang lại trải nghiệm chân thực nhất cho khán giả.
Một trong những điểm đặc biệt của lần phục dựng này là hệ thống ánh sáng được điều chỉnh để mô phỏng đèn khí thế kỷ XIX, tạo nên khung cảnh thơ mộng và chân thực. Khi Carmen ra mắt vào năm 1875, sân khấu chủ yếu được chiếu sáng bằng đèn dầu và nến, tạo ra hiệu ứng ánh sáng mềm mại và tập trung vào các điểm quan trọng. Bên cạnh bối cảnh và ánh sáng, trang phục được thiết kế dựa trên tranh khắc và bản vẽ lịch sử của nhà xuất bản âm nhạc Choudens cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng để tái tạo chính xác phong cách thời trang thế kỷ XIX. Ví dụ, Escamillo đi giày cao gót nữ tính, một chi tiết bất ngờ nhưng hoàn toàn phù hợp với xu hướng thời trang của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, quá trình phục dựng gặp không ít thách thức, bởi một số chất liệu nguyên bản không còn tồn tại, buộc các nhà thiết kế phải tìm cách dung hòa giữa tính lịch sử và sự sáng tạo.
Nghệ thuật là sự đổi mới không ngừng
Trong quá trình tái hiện lại vở Carmen, đạo diễn đã cố gắng theo sát nguyên tác tiểu thuyết Carmen của Prosper Mérimée, giúp các nhân vật trở nên mạnh mẽ và dữ dội hơn so với cách thể hiện trong phiên bản sân khấu năm 1875. Tuy tài liệu gốc không đề cập nhiều đến ý đồ diễn xuất, bởi vào thời điểm đó, nghệ sĩ solo có quyền tự do ứng biến. Vì vậy, các đạo diễn và biên đạo đã nghiên cứu kỹ lưỡng để khôi phục những chi tiết từng tồn tại, đồng thời sáng tạo thêm dựa trên tinh thần của thời đại. Một ví dụ điển hình là cảnh đối đầu giữa Don José và Carmen khi Don José lặp đi lặp lại câu nói: "Tu m'entendras, tu m'entendras, tu m’entendras!" ("Em phải nghe anh, em phải nghe anh, em phải nghe anh!"), mà theo sự phát triển của tuyến kịch, Đạo diễn đã thêm hành động bằng một cái tát để đẩy lên cao trào và tạo sức nặng cho cảnh kết kịch tính trước khi không gian chìm vào sự im lặng tuyệt đối. Chi tiết này giúp làm nổi bật mối liên kết giữa bạo lực và cái chết tất yếu trong màn IV.
Mặc dù bối cảnh được phục dựng theo nguyên tác, nhóm sản xuất vẫn áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo hiệu quả sân khấu cũng như khắc họa đầy đủ và rõ nét tính cách nhân vật. Đèn LED được sử dụng để tái tạo hiệu ứng ánh sáng đèn dầu, vừa giữ được không gian cổ điển vừa giúp tối ưu hóa trải nghiệm thị giác cho khán giả. Phông nền sân khấu vẫn được vẽ tay theo phương pháp truyền thống, nhưng có sự hỗ trợ của công nghệ nhằm tối ưu độ bền và tái hiện màu sắc chân thực hơn. Ngoài ra, để phù hợp với sân khấu hiện đại, trang phục cũng được tinh chỉnh giúp diễn viên di chuyển dễ dàng hơn mà không làm mất đi vẻ đẹp cổ điển…
Cuối cùng, khoảnh khắc hạnh phúc nhất chính là sự tán dương trực tiếp từ khán giả khi đêm diễn kết màn. Bên cạnh những tràng pháo tay hay tiếng hô vang bravo/brava, thì hành động tung hoa hồng lên sân khấu opera hay ballet cũng là để bày tỏ cảm xúc ngưỡng mộ. Chúng tôi tin, sân khấu Nhà hát Hồ Gươm trong hai đêm 24 và 25/4/2025 cũng sẽ phủ đầy hoa hồng sau buổi diễn, là minh chứng cho sự đón nhận nồng nhiệt của khán giản, là phần thưởng tuyệt vời cho những nỗ lực cống hiến của các nghệ sĩ.
Chương trình biểu diễn liên quan
Tin tức liên quan
Hồ Gươm Opera
Quy định
@ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera