NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc

Thu Ly

22:08 - 18/05/2024

202

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh và khắc họa rõ nét trong âm nhạc Việt Nam từ nhiều thập kỷ qua. Mỗi tác phẩm đều thể hiện được nhãn quan riêng của người sáng tác và đều toát lên sự kính trọng, lòng biết ơn về một con người - một nhân cách lớn như biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cả thế giới, hiếm có một vị lãnh tụ nào được kính trọng, yêu mến và ngợi ca nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng chưa từng có một vị lãnh tụ nào có được số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật phác họa chân dung phong phú và đa dạng như Người. 

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh rời quê hương, xuống tàu ở bến cảng nhà Rồng, đi ra thế giới đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn khắc hoạ trong tác phẩm Dấu chân phía trước Và sau hơn 30 năm vượt trùng dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân trải qua hai cuộc chiến tranh, mang lại tự do cho dân tộc. Chính vì thế, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong âm nhạc mang đậm màu sắc sử thi, tính chất hào hùng nhưng cũng đậm chất trữ tình. Người được ví như “ánh thái dương”, “đuốc lửa thiêng” hay “màu xanh bất tử”  trong “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận. Hay nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khắc họa chân dung Hồ Chí Minh “Người cao hơn núi”gắn liền với đất trời vũ trụ, giữa thủ đô gió ngàn trong phẩm “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Ngay cả khi Bác đi xa, thì nguồn cảm hứng viết về Người vẫn dạt dào với: “Chúng con canh giấc ngủ của Người” của Nguyễn Đăng Nước;Người là niềm tin tất thắng" của Chu Minh. Cho đến nay, hình ảnh của Bác vẫn hiện hữu trong đời sống, trong từng chặng đường phát triển của đất nước. Chúng ta thấy Bác thật gần gũi như trong tác phẩm “Bác vẫn bên ta”- thơ Tố Hữu, âm nhạc Phạm Đình Sáu: “Bác vẫn đi kia, giữa cánh đồng/ Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông/ Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm/ Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong”. Hình tượng của Bác là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tạo nên những tác phẩm thể hiện mọi khía cạnh từ tư tưởng, đạo đức, tác phong và nhân cách của Người.

Bến cảng Nhà Rồng - nơi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc: Ảnh tư liệu

Sự phong phú, đa dạng trong tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chúng ta thấy được sự đồ sộ và đa dạng trong kho tàng các nhạc phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài hát chính ca về Người thường có giai điệu hào hùng, lời ca trang trọng, thể hiện sự tôn kính đối với Người. Có lẽ là con dân nước Việt, chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 và cũng đã được nhạc sĩ Văn Cao khắc hoạ trong tác phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ tịch".

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc

Trong hàng trăm ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhạc sĩ lại có góc nhìn, cách cảm và cách sáng tạo khác nhau, nhiều nhạc sĩ đã chọn âm hưởng dân gian, những làn điệu dân ca đặc trưng vùng miền đưa vào tác phẩm. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bài “Trông cây lại nhớ đến Người”. Nhạc sĩ An Thuyên với “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Nhạc sĩ Trần Hoàn viết “Thăm bến nhà Rồng"

Mỗi lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hát về Người, nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo luôn dâng trào cảm xúc, chị tâm sự: “Để thể hiện được tác phẩm có lẽ cuộc đời đã cho tôi một cái duyên lớn. Tôi may mắn sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, hơn nữa lại có người cha từng là Giám đốc Khu di tích lịch sử Kim Liên, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, kỷ niệm thiêng liêng thời thơ ấu của Bác: cây ổi trước cửa, cái phản, cái võng trong nhà Bác luôn thân thuộc và trở thành ký ức khó phai mờ trong tâm trí tôi. Chính những ký ức đó, như một lẽ đương nhiên, như một dòng chảy mãnh liệt giúp tôi luôn dạt dào cảm xúc mỗi khi hát những bài về Bác. Tuy nhiên để thể hiện những ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch kính yêu không hề đơn giản. Ủy mị quá cũng không được và khô cứng quá cũng không hay”. 

Nghệ sĩ nhân dân Thái Bảo hát về Người bằng cả trái tim

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm, yêu thương đặc biệt đối với các em nhỏ. Chính vì thể trong kho tàng ca khúc Việt Nam cũng có hàng trăm ca khúc thiếu nhi viết về Bác. thhân dung của Bác trong các ca khúc thiếu nhi bao giờ cũng được khắc họa một cách chân thật, gần gũi: “Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài” (Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng - Phong Nhã). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi Việt Nam & quốc tế nhân dịp năm mới (1955). Ảnh tư liệu

Nhiều năm trôi qua, Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Liên vẫn đầy xúc cảm khi kể về kỷ niệm cùng bài hát: “Bố tôi trước làm tại Cục Cảnh vệ Bộ Công an, tôi vinh dự có lần được theo cha và được gặp Bác lúc tôi 6 tuổi, có cơ hội được hát cho Bác nghe bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" của nhạc sĩ Phong Nhã, và được Bác khen rồi Bác thưởng cho kẹo. Chính lời khen của Bác đã là nguồn động lực khiến tôi sau này trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Với sự thơ ngây, trong sáng, lạc quan, tôi như thấy ông mình thật hiền từ đang âu yếm yêu thương dạy dỗ cháu vậy, Bác như một ông tiên”.

Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Liên với những cảm xúc chân thành kính, và đầy sự kính trọng, biết ơn khi hát về Bác.

Thế giới hát về Người 

Vẻ đẹp của hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ Việt Nam mà còn cả những nhạc sĩ nước ngoài. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: “Mỗi tác giả dù là người Nga, người Anh, người Lào,... dù viết bằng những ngôn ngữ khác nhau, bằng những giai điệu khác nhau mang tính dân tộc của họ nhưng vì Bác là con người của đại chúng, biểu tượng của lòng yêu nước, của một Danh nhân văn hoá thế giới nên ta vẫn nhìn thấy ở tất cả các tác phẩm ấy là sự yêu mến, trân trọng và thành kính dành cho Người".

NSND Phạm Ngọc Khôi chỉ huy dàn nhạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Khi nhắc đến âm nhạc quốc tế viết về Người, chúng ta không thể không nhắc tớiThe Ballad of Ho Chi Minh" của nhạc sĩ người Anh - Ewan MacColl đã trở thành một biểu tượng âm nhạc trong phong trào đoàn kết quốc tế và phong trào đấu tranh vì hòa bình, tự do trên toàn thế giới. 

Ewan MacColl (bên trái) - người đã sáng tác bài hát “The Ballad of Ho Chi Minh" 

Tác giả Douang Mixay Likaya ( Lào), dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài sáng tác các ca khúc về Hồ Chủ tịch và quan hệ Lào - Việt trong đó có các bài hát “Hồng Hà-Mekong”; "Hồ Chí Minh - Mặt Trời soi sáng muôn đời"; "Bông Sen đỏ"; "Nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời" và "Người Bác của chúng ta"... Nhạc sĩ Buangeun Saphouvong với bài hát “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời”. Chân lý của Người “Không có gì quý hơn độc lập tự do,” cũng đã được nhạc sĩ  Buangeun dùng làm chủ đề xuyên suốt trong nhạc phẩm của mình

Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có: “Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh” - Vladimir Fere (Nga), “Nhật ký trong tù” (phổ nhạc 7 bài thơ của Hồ Chủ tịch) - George Ferris (Anh), “Jose Marti Hồ Chí Minh” - Armando Cardoso (Cuba), hay như Tổ khúc khí nhạc gồm 5 chương viết cho đàn violon Alto “Ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Jeans Chourfores (Đức)… Những tác phẩm âm nhạc quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là thể hiện sự tôn kính, lòng ngưỡng mộ đối với một lãnh tụ vĩ đại mà còn là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ văn nghệ sĩ. Ảnh tư liệu

Nhìn vào kho tàng đồ sộ những tác phẩm về Người, chúng ta thấy được sự đóng góp của nhiều thế hệ nhạc sĩ trong nước và quốc tế. Điều đó cũng cho thấy một phần sáng tạo của nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, nhấn mạnh:Bất kể viết về Bác thì dù là người miền Nam, người miền Bắc, người dân tộc, người ngoại quốc, từ nhiều lứa tuổi khác nhau đều suy nghĩ, lựa chọn bút pháp cô đọng nhất, để viết về Bác, viết nên những tác phẩm không bị ước lệ về thời gian và không gian, không bị ước lệ bởi bất kỳ hoàn cảnh nào để có những tác phẩm đi vào đời sống, gắn liền với lịch sử và cuộc đời sự nghiệp của Người, tạo nên những tác phẩm có giá trị trường tồn. Và mỗi nhạc sĩ đều kế thừa truyền thống của cha ông, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới để xây dựng những tác phẩm về Bác để chúng ta có được những tác phẩm không chỉ góp phần vào sự phát triển của nền âm nhạc mà còn phục vụ cho nghiên cứu lâu dài”.  

Chúng ta hôm nay có thể tự hào khẳng định những ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ sống mãi với nhiều thế hệ, với đất nước, với bóng hình non sông. 

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera