NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG

La Traviata - một trong những đỉnh cao của nghệ thuật Opera

Ba Giai

07:25 - 17/07/2024

361

Năm 1813 là một trong những năm đáng ghi nhớ nhất của lịch sử nghệ thuật opera. Trong năm đó có hai vĩ nhân của môn nghệ thuật sân khấu đỉnh cao này đã chào đời: Richard Wagner vào 22/5 ở Đức và Giuseppe Verdi vào 10/10/ 1813 ở Ý.

Giuseppe Verdi sinh ra ở Le Roncole, một ngôi làng gần Busseto, một vùng đất thuộc Công quốc Parma và Piacenza. Mặc dù gia cảnh không cho phép Verdi được học nhạc bài bản từ nhỏ nhưng năng khiếu âm nhạc khác thường của ông đã sớm bộc lộ khi học organ với một nhạc sư nhà thờ địa phương. Năm 1828, sau khi tốt nghiệp trường nhạc Busseto, Verdi quyết định cả đời dành cho âm nhạc. Sáng tác đầu tay của nhà soạn nhạc trẻ là một số concerto. Nhân buổi công diễn vở “Người thợ cạo thành Sevilla” tại Nhà hát BussetoVerdi đã viết một bản overture rất xuất sắc. Ông Barezzi nhận ra tài năng của nhà soạn nhạc trẻ nên đã bảo trợ cho Verdi. Năm 1836ông trở thành nhạc phụ của Verdi và hỗ trợ anh trong suốt sự nghiệp. 

Các thời kỳ trong sự nghiệp của Verdi

Thời kỳ thứ nhất:  Thập kỷ 1840, Verdi bắt đầu thành công sau vở đầu tay Obetto, vở thứ hai Nabucco đã thành công vang dội. Sau đó là Lombardi, Ernani, Attila, Macbeth … 

Thời kỳ thứ haiThập kỷ 1850, là thời kỳ đỉnh cao của Verdi với bộ ba kiệt tác Rigoletto,  Il Trovatore, La Traviata. Ba kiệt tác này đưa danh tiếng của Verdi vượt cả các bậc thầy Donizetti, Bellini thậm chí cả Rossini để thành nhà soạn nhạc opera Ý vĩ đại nhất.

Thời kỳ thứ baThập kỷ 1850 với các kiệt tác Aida, Otello, Don Carlos …và kết thúc sự nghiệp vĩ đại của mình bằng Falstalf. Trên bản thảo của vở Falstalf ông đã ghi: Ta đã viết xong toàn bộ. Thôi đi đi lão John (nhân vật chính)! Hãy sống theo lối sống của mình, thích sống bao lâu thì sống bấy lâu Tạm biệt! 

Ngày 27/1/1901, nhà soạn nhạc vĩ đại đã từ trần. Người dân quê hương ông đã tiễn đưa ông bằng bản hợp xướng thần thánh Va, pensiero trong vở Nabucco của ông: Hãy bay đi! Để tư tưởng xòe rộng đôi cánh tiếng hát bay đi!”. 

La Traviata, nghĩa đen là là người đàn bà hư hỏng, của Francesco Maria Piave dựa trên tiểu thuyết Trà hoa Nữ” (năm 1848) của nhà văn người Pháp Alexandre Dumas (con). Đầu tiên Verdi đặt tên cho tác phẩm là Violetta theo tên nhân vật chính, sau vài lần sửa đổi nội dung thì vở diễn có tên La Traviata như ngày nay. 

Buổi công diễn ra mắt ngày 6/3/1853 tại Nhà hát La Fenice ở Venice là một thất bại thê thảm. Hôm sau Verdi viết thư cho người bạn Muzio: "La Traviata hôm qua là một thất bại. Lỗi của tôi hay là lỗi của các ca sĩ đây? Thời gian sẽ trả lời..." Verdi luôn tin vào khán giả, sớm hay muộn họ sẽ nhận ra giá trị tác phẩm của ông. Sau khi chỉnh sửa vài lần từ năm 1853 đến tháng 5/1854, vở opera được trình diễn trở lại ở Venice, lần này ở nhà hát Teatro di San Benedetto. Ngày 24/5/1856 vở opera được ra mắt  Anh tại Nhà hát Her Majesty's Theatre ở Luân Đôn, rồi ra mắt New York vào ngày 3/12/1856.

La Traviata được tác giả lấy bối cảnh Paris đầu thế kỷ XVIII

Màn 1 - Phòng khách nhà Violetta: Violetta Valéry, một cô kỹ nữ nổi tiếng, tổ chức một bữa tiệc xa hoa tại nhà ở Paris để ăn mừng việc cô khỏi bệnh. Bá tước Gastone đến cùng một người bạn, nhà quý tộc trẻ Alfredo Germont, người đã thầm yêu Violetta từ lâu. Gastone cho Violetta biết Alfredo đang yêu cô, khi cô ốm ngày nào anh cũng đến hỏi thăm. Alfredo gia nhập cuộc chuyện trò và xác nhận lời của Gastone. Nam tước Douphol được đề nghị phát biểu nhưng ông từ chối. Đám đông đề nghị Alfredo và anh đồng ý hát bài ca chuốc rượu Brindisi (Alfredo, Violetta, hợp xướng Libiamo ne' lieti calici)

Trong phòng bên, dàn nhạc bắt đầu chơi và khách sang đó khiêu vũ. Violetta cảm thấy chóng mặt và mời khách qua trước trong khi cô nghỉ một lát. Violetta soi gương và  thấy khuôn mặt xanh xao của mình. Alfredo đi vào và thể hiện sự quan tâm của mình đến sức khỏe mong manh của cô và tỏ tình với cô (Alfredo, Violetta: Un dì, felice, eterea). Đầu tiên, cô từ chối nhưng cũng cảm động. Khi anh sắp đi, cô đưa cho anh một bông hoa và nói  anh hãy quay lại khi hoa đã tàn, cô hẹn sẽ gặp anh vào ngày hôm sau.

Sau khi khách ra về, Violetta băn khoăn tự hỏi liệu Alfredo có phải người yêu định mệnh của mình: Ah, fors'è lui. Nhưng rồi cô kết luận mình cần tự do sống theo cách của mình: Sempre libera. Từ ngoài sân khấu, có thể nghe thấy tiếng Alfredo hát về tình yêu trong khi anh đi ngoài phố.

Màn 2Cảnh 1, Nhà Violetta ở ngoại ô Paris: Ba tháng sau, Alfredo và Violetta đang sống cùng nhau ở một ngôi nhà nông thôn gần Paris. Violetta yêu Alfredo và từ bỏ hoàn toàn đời sống cũ. Alfredo hát về cuộc sống hạnh phúc của họ: De' miei bollenti spiriti/ Il giovanile ardore. Tì nữ Annina của Violetta trở về từ Paris. Khi Alfredo hỏi, cô cho anh biết cô đi Paris để bán ngựa, xe, và toàn bộ tài sản của Violetta để chi trả cho cuộc sống của họ ở nông thôn. Alfredo bị sốc khi biết điều này và đi Paris ngay tức thì để tự giải quyết chuyện tiền bạc. Violetta về nhà và nhận được thư từ Flora bạn mình mời tham dự một bữa tiệc ở Paris tối hôm đó. Ông Giorgio Germont cha Alfredo xuất hiện và yêu cầu cô từ bỏ Alfredo. Ông giải thích rằng quan hệ giữa Violetta và Alfredo cản trở hôn ước của con gái ông với người cô yêu: Pura siccome un angelo. Ông cũng có ấn tượng tốt về phẩm chất cao quý của Violetta khi cô thể hiện tình cảm với Alfredo khi tiết lộ việc đã bán hết tài sản của mình. Giorgio cương quyết cầu xin cô vì lợi ích gia đình ông và Violetta cuối cùng cũng đồng ý: Dite alla giovine sì bella e pura.

Violetta viết thư nhận lời mời dự tiệc và sai Annina đi gửi cho Flora. Sau đó, khi đang viết thư chia tay Alfredo thì anh bước vào. Cô khóc đau đớn và lặp đi lặp lại tình yêu của cô với anh: Amami, Alfredo, amami quant'io t'amo. Sau đó cô vội vã bỏ đi Paris và trên đường đi gửi thư chia tay cho Alfredo. Một lát sau, Alfredo nhận được thư và ngay khi anh vừa đọc xong thì ông Giorgio trở lại và cố gắng an ủi anh, nhắc nhở anh về gia đình ở Provence: Di Provenza il mar, il suol chi dal cor ti cancellò?. Alfredo nghi ngờ nam tước Douphol là nguyên nhân dẫn đến việc Violetta bỏ đi. Anh tìm ra thư mời dự tiệc và nó càng củng cố nghi ngờ của anh. Anh quyết tâm đi gặp Violetta ở tiệc. Giorgio cố gắng ngăn cản anh nhưng anh đã lao ra ngoài.

Cảnh 2, Bữa tiệc ở nhà Flora: Tại bữa tiệc, hầu tước cho Flora biết Violetta và Alfredo đã bỏ nhau khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Cô gọi các nghệ sĩ vào để biểu diễn cho khách: hợp xướng: Noi siamo zingarelle venute da lontano; Di Madride noi siam mattadori. Gastone và các bạn anh cùng hát với các matador: Gastone, hợp xướng, vũ công: È Piquillo un bel gagliardo Biscaglino mattador. Violetta dự tiệc cùng nam tước Douphol. Họ gặp Alfredo ở bàn đánh bạc. Khi thấy họ, Alfredo lớn tiếng tuyên bố anh sẽ đưa Violetta về nhà cùng anh. Nam tước khó chịu và tham gia bàn đánh bạc để đánh với anh. Alfredo liên tục thắng lớn cho đến khi Flora tuyên bố bữa ăn đã sẵn sàng. Alfredo dời bàn đánh bạc với rất nhiều tiền. 

Khi mọi người dời đi, Violetta yêu cầu Alfredo gặp cô. Sợ rằng nam tước sẽ tức giận và có thể dẫn tới việc ông thách đấu Alfredo, cô yêu cầu Alfredo đi về. Alfredo hiểu nhầm nỗi lo của cô và yêu cầu cô tuyên bố cô yêu nam tước. Cô tuyên bố như vậy với nỗi đau. Alfredo tức giận và gọi khách khứa vào chứng kiến điều anh sắp nói:Questa donna conoscete? Anh hạ nhục Violetta trước mặt mọi người và ném tiền thắng cược của anh để trả tiền dịch vụ của cô với anh, Violetta bất tỉnh gục xuống sàn. Mọi người trách Alfredo: Di donne ignobile insultatore, di qua allontanati, ne desti orror! Đúng lúc đó, Giorgio đi vào và lên án hành vi của con ông-Giorgio, Alfredo, Violetta, hợp xướng: Di sprezzo degno sè stesso rende chi pur nell'ira la donna offende. Flora và các cô gái cố gắng thuyết phục Violetta rời đi nhưng Violetta quay sang Alfredo- Alfredo, Alfredo: di questo core non puoi comprendere tutto l'amore....

Màn 3 - Phòng ngủ của Violetta: Bác sĩ Grenvil cho Annina biết Violetta không còn sống được lâu vì bệnh lao của cô đã xấu đi. Một mình trong phòng, Violetta đọc thư của cha Alfredo cho cô biết nam tước chỉ bị thương trong cuộc đấu với Alfredo, ông đã cho Alfredo biết sự hi sinh của cô cho anh và em gái và khuyên anh nhanh chóng quay về để xin cô tha thứ. Tuy nhiên, Violetta cảm thấy đã quá muộn: Addio, del passato bei sogni ridenti. Annina chạy vào phòng cho biết Alfredo đã đến. Họ đoàn tụ và Alfredo đề xuất họ cùng rời Paris-Alfredo, Violetta: Parigi, o cara, noi lasceremo. Tuy nhiên, lúc này đã quá muộn: Violetta nhận thấy thời gian của cô đã hết-Alfredo, Violetta: Gran Dio!... morir sì giovane. Cha của Alfredo đi vào cùng bác sĩ và ông rất hối hận về việc mình làm. Sau khi hát với Alfredo, Violetta bỗng nhiên nhỏm dậy nói rằng cô đã hết đau. Nhưng ngay sau đó cô qua đời trong vòng tay của Alfredo.

Vở diễn có sức truyền cảm mạnh mẽ và tinh tế với hình tượng Violetta khao khát tình yêu chân chính nhưng đau khổ tuyệt vọng trước hiện thực cay đắng. Đây là một kiệt tác cho giọng soprano với các aria tuyệt vời. Âm nhạc đã khắc họa tính cách dịu dàng hướng thiện với tình cảm thuần khiết và đầy kịch tính của nhân vật. Những đoạn chạy nhanh vừa phát huy được các kĩ xảo màu sắc lại vừa truyền cảm rực rỡ.

Không chỉ là một trong nhưng vở diễn được khán giả yêu thích nhất, La Traviata còn tạo cảm hứng cho nhiều nhà soạn nhạc ở các thời đại khác nhau chuyển soạn hoặc phát triển các giai điệu thành vô số các sáng tác khí nhạc khác nhau.

NHÀ HÁT HỒ GƯƠM MỞ BÁN VÉ: “LA TRAVIATA”

Buổi 1: 20h00 Thứ sáu, ngày 9/8/2024 -https://hoguomopera.vn/dat-ve/45

Buổi 2: 20h00 Thứ bảy, ngày 10/8/2024 -https://hoguomopera.vn/dat-ve/46

🌆Nhà hát Hồ Gươm, số 40-40A Hàng Bài, Hà Nội

📞 Liên hệ mua vé: 0835.661.999

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera