NGHỆ THUẬT & CUỘC SỐNG

Hoàng Vân trong mạch nguồn cảm xúc Điện Biên

09:06 - 02/05/2024

232

Nếu Đỗ Nhuận là nhạc sĩ sinh ra để ghi nhận Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng hành khúc thuần Việt mang tên "Giải phóng Điện Biên" sáng tác ngay đêm 7/5/1954 tại Mường Phăng, thì Hoàng Vân lại là nhạc sĩ trưởng thành từ chiến hào Điện Biên bằng việc viết ra một điệu hò mới trong di sản những điệu hò của dân Việt suốt từ Bắc vào Nam, đấy là "Hò kéo pháo".

Ảnh tư liệu

Hoàng Vân tên khai sinh là Lê Văn Ngọ. Ông sinh năm Canh Ngọ 1930 tại phố Hàng Thùng (Hà Nội). Hoàng Vân vốn bắt đầu nghiệp văn nghệ từ hội họa qua thời gian theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã hướng chàng trai 15 tuổi đi theo một lối rẽ bất ngờ. Từ một liên lạc viên trong chiến lũy Hà Nội thuộc Trung đoàn Thủ Đô, Hoàng Vân trở thành người phụ trách thiếu sinh quân ở Sư đoàn 312. Trưởng thành trong chiến tranh và phát lộ tài năng âm nhạc, ông trở thành người phụ trách Đoàn Văn công Sư đoàn 312. Vào những năm cuối của cuộc trường chinh vĩ đại này, người ta bắt đầu nghe giai điệu Hoàng Vân qua bài hát "Tin chiến thắng". Bài hát này ngay từ đầu hòa bình ở miền Bắc đã được dàn dựng, thu thanh loang qua làn sóng điện bởi một hợp ca nam nữ giọng lĩnh xướng nam cao của Trần Khánh. Đây là lý do hình thành cặp bài trùng Hoàng Vân-Trần Khánh trong suốt những năm sau, cho đến khi Trần Khánh rời khỏi cõi đời.
Tin chiến thắng vang vang/ Tin chiến thắng vang vang/ Chiều xuống trên cánh đồng/ Trên phố phường vang vang tiếng hát... Trong giai điệu trên, "chiều xuống" là bước nhảy của khoảng 8 đúng từ "chiều" tới "xuống", "chiều xuống" mà lại hát cao lên khoảng 8 đúng. Lạ! Nhưng phải đến khi cùng đại quân tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, chính câu chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra và sự mục kích những người lính kéo pháo vượt đèo, vượt núi thì điệu hò mới mang tên "Hò kéo pháo" đã ra đời. Đấy là con đẻ của chiến tranh nhân dân.
"Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào/ Kéo pháo ta vượt qua núi"... Khoảng 8 đúng lại xuất hiện ngay ở kết nối giữa "nào-kéo". Khoảng 8 đúng này không chỉ lạ nữa mà còn độc đáo khi nó diễn tả được sức mạnh vượt lên gian khó của người lính kéo pháo nói riêng, của người lính Cụ Hồ nói chung, của cả dân tộc ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến. "Hò kéo pháo" khi ấy đã góp phần khích lệ người lính kéo pháo trong việc kéo pháo vào rồi kéo pháo ra và rồi lại kéo pháo vào chỗ khác, ở vị trí đứng trên đầu thù khi dội lửa xuống tập đoàn cứ điểm quân Pháp nằm dưới cánh đồng Mường Thanh.…
"Hò kéo pháo" được trao giải thưởng âm nhạc toàn quốc năm 1954 cùng "Mùa lúa chín"-một điệu hò đánh giặc ở miền Nam của Hoàng Việt. Nhờ giải thưởng khẳng định khả năng âm nhạc này, ngay sau đó, Hoàng Vân được cử đi tu nghiệp âm nhạc tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc).
Năm 1960, khi về nước, Hoàng Vân lúc ấy tròn "tam thập nhi lập", đã là tác giả của giao hưởng "Thành đồng Tổ quốc" mà ông hay gọi là "Giao hưởng số 1", được về công tác tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở đây, Hoàng Vân đảm nhiệm cả 3 vai trò: Chỉ huy, phối khí và sáng tác. Những sáng tác của Hoàng Vân ngày đó ngay lập tức thấm vào triệu triệu con tim yêu nhạc. Nào là: "Những cánh buồm" (thơ Hoàng Trung Thông); nào là "Nhớ" (thơ Nguyễn Đình Thi); nào là "Hà Nội-Huế-Sài Gòn" (thơ Lê Nguyên)…


Thời ấy, phong trào hát hợp xướng lan tràn khắp các thành phố lớn của miền Bắc hòa bình. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập nước (2-9-1960), Đài Tiếng nói Việt Nam đã trình làng một tổ khúc hợp xướng 3 chương. Chương đầu "Ca ngợi Tổ quốc" do nhạc sĩ Hồ Bắc viết, chương cuối "Miền Nam anh dũng và bất khuất" do nhạc sĩ Phạm Tuyên viết, còn chương giữa là "Hồi tưởng" do Hoàng Vân đảm nhiệm. "Hồi tưởng" với sự tham gia của đoàn hợp xướng thiếu nhi đã trở thành một hợp xướng điển hình của hợp xướng Việt Nam trong giai đoạn ấy: "Trời cao long lanh sương sớm long lanh"... Ngoài sự độc đáo với việc tham gia của đoàn hợp xướng thiếu nhi, đoạn lĩnh xướng cũng tuyệt hay do Trần Khánh thể hiện: "Tổ quốc đời đời còn ghi nhớ/ Những năm bốn mươi không bao giờ quên"... Ở đây khoảng 8 đúng lại xuất hiện ở hai chữ "Tổ quốc". Khoảng 8 đúng tiếp tục là cây cột trong "lâu đài âm nhạc" Hoàng Vân qua trường ca "Tôi là người thợ lò" cũng do Trần Khánh thể hiện.
Song hành cùng nhiều ca khúc để đời như: "Quảng Bình quê ta ơi"; "Nổi trống lên rừng núi ơi"; "Hai chị em"; "Chào anh Giải phóng quân-Chào mùa xuân đại thắng"; "Bài ca giao thông vận tải"; "Bài ca người giáo viên nhân dân"... Hoàng Vân vẫn là một bậc thầy về viết hợp xướng. Năm 1965, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Hải Phòng (15-3), Hoàng Vân đã viết hợp xướng "Thành phố chúng ta-Nhà máy chúng ta" mà chủ đề âm nhạc là tiếng búa gõ của nhà máy đóng tàu. Vài năm sau, ông lại viết hợp xướng "Vượt núi". Những khoảng 8 đúng vẫn len lỏi vào trong các giai điệu của Hoàng Vân từ ca khúc đến hợp xướng.

Dù thời gian, tuổi tác, dù viết đủ mọi đề tài, mọi thể loại, Hoàng Vân vẫn nuôi dưỡng những ký ức Điện Biên trong mạch nguồn cảm xúc của mình. Và sau "Hò kéo pháo" đã đóng đinh vào tâm thức dân tộc, nửa thế kỷ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2004), Hoàng Vân trình làng "Hợp xướng Điện Biên" mà thực ra đó là một tổ khúc hợp xướng gồm chương mở đầu và 4 chương sau. Một nhạc phẩm mẫu mực và kinh điển. Ngay từ chương mở đầu, chất kinh viện đã hiện lên khiến người nghe thán phục. Khởi sự bằng giọng đô trưởng: "Điện Biên! Điện Biên! Hồng Cúm, Him Lam, Nậm Rốm, Mường Thanh"... Đến câu thứ hai, giai điệu đã chuyển sang giọng đô thứ: "Điện Biên! Điện Biên! Nghe những tên làng, tên sông, tên núi-tên những chiến trường không bao giờ quên"... Và tiếp đó là dạt dào tuôn chảy: "Điện Biên! Điện Biên! Mỗi tấc đất có bao nhiêu bài thơ/ Từng cánh hoa như từng lời ca/ Bốn mùa tỏa hương thơm trên đất nước/... Điện Biên vinh quang của toàn dân ta/ Đất nước đời đời ghi nhớ/ Thế giới đời đời ngợi ca"... Đặc biệt, ở chương III với tựa đề "Lá cờ của Bác", về mặt âm nhạc, chương này cho thấy một tầm vóc âm nhạc hàn lâm ở Hoàng Vân qua việc chuyển điệu ở từng đoạn hợp xướng, tất cả đều nhuyễn vào trong tư duy của "phù thủy" Hoàng Vân.

Tôi rất nhớ đêm trình diễn tổ khúc hợp xướng này của ông tại Nhà hát Lớn Hà Nội dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi-con trai ông trở về từ Macedonia, nơi chàng lập nghiệp. Cả khối người thưởng thức đã lặng phắc lắng nghe như nuốt từng nốt nhạc cho đến khi nốt nhạc cuối cùng ngân hết nhịp thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm động, như muốn làm ngả nghiêng không gian của "thánh địa âm nhạc" Thủ đô. Và khi ấy bên người vợ hiền, Hoàng Vân đã giàn giụa nước mắt xúc động giống như hồi ông chỉ huy hợp xướng "Hồi tưởng" năm 1960.
Sinh năm Canh Ngọ, cầm tinh con ngựa, "độc mã" Hoàng Vân trong âm nhạc đúng là một "chiến mã" đưa biết bao đoàn quân hừng hực ra trận. Những chàng trai trẻ-con cháu của những người lính Điện Biên năm nào lại "xẻ dọc Trường Sơn", lòng đầy tự hào lăn vào khói lửa và chân dung của tất cả thế hệ người lính đã được Hoàng Vân khắc họa bằng âm thanh qua "Người chiến sĩ ấy", lần đầu tiên bay lên bởi giọng nam cao tuyệt vời của ca sĩ Trần Khánh. Hoàng Vân thực sự xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II. Người lính Điện Biên Hoàng Vân hào sảng trong âm nhạc bao nhiêu thì trong làng nhạc, anh em thường thấy một Hoàng Vân lịch lãm, tươi cười giữa nhân quần. Về già, Hoàng Vân còn vẽ và viết thư họa bằng chữ Hán rất đẹp.
Ông nổi tiếng như vậy mà mãi đến giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi mới có duyên được gặp gỡ khi ông đến Hội Văn nghệ Hà Nội, nay là Hội Nhà văn Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hà Nội) nói chuyện về nhạc nhẹ thế giới sau chuyến đi tìm hiểu ở Cộng hòa Séc trở về vào những ngày đầu thời mở cửa. Hoàng Vân đã thu phục tôi ở lối trình giải khúc chiết và uyên bác. Khi tôi về làm Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) thì anh em thêm nhiều dịp gặp nhau hơn. Lúc nào ông cũng trìu mến và thân thiện. Sự tự tin ấy luôn ẩn khuất sau những nhận định ngắn gọn. Sang thế kỷ mới, anh em càng gắn bó hơn, nhất là từ khi nhạc trưởng Lê Phi Phi hay về nước tham gia các cuộc trình tấu giao hưởng, hợp xướng. Ấn tượng nhất là khi ông viết tặng tôi bức thi họa viết chữ "Nhã". Ông bảo: "Kha không phải là Nhẫn mà là Nhã". Trong bức thi họa, ông còn viết một bài tứ tuyệt lấy từ "Kinh thi". Tôi tạm dịch là: Xuân lang thang hương cỏ/ Thưởng sen xanh vào hè/ Thu nhấp ly rượu cúc/ Đông bay tuyết trắng thơ.
"Chiến mã" Hoàng Vân về tuổi già đã ung dung tự tại hưởng nhàn nhã và thanh thản bay vào cõi mây vàng như ngựa Thánh Gióng, để lại dương thế một "lâu đài âm nhạc" Hoàng Vân tráng lệ với những cột trụ sừng sững của khoảng 8 đúng, đã hóa thành bất tử trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Người sinh thêm một điệu hò mới/ Trong gia tài các điệu hò Việt Nam/ Là "Hò kéo pháo" kéo pháo lên đỉnh núi/ Bắn giập đầu thù trong trận chiến Điện Biên/ Tôi thầm gọi tên ông Hoàng Vân/ Khi bất chợt lang thang lòng chảo/ Một đám mây vàng của một thời gió bão/ Một chiến mã tung vó dặm trường...

                                  Phương An

 

 

Tin tức liên quan

Hồ Gươm Opera

  • Địa chỉ: 40 Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
  • Điện thoại: 0835.661.999
  • Chương trình quốc tế: 082.558.3888
  • E-mail: contact@hoguomopera.com
  • https://hoguomopera.com
  • Quy định

    @ Bản quyền thuộc về Hồ Gươm Opera